Sự phát triển của thai nhi tuần 7

0
592

Khi thai 7 tuần tuổi thì những ngón tay, ngón chân có màng của bé đã bắt đầu xuất hiện và “đuôi” dần dần biến mất. Mẹ cũng đã có những thay đổi đáng kể do sự gia tăng nội tiết tố đột ngột. Mẹ nên làm gì để chống lại sự mệt mỏi trong 3 tháng đầu mang thai?
+ Thai nhi phát triển như thế nào ở tuần thai thứ 7?
– Mẹ đã chính thức bước vào những tuần giữa trong tam cá nguyệt thứ nhất, so với tuần đầu tiên, tuần này bé có sự phát triển có thể nói là rõ ràng nhất.
– Xương đuôi đang dần co lại và cái đuôi của bé sẽ sớm biến mất.
– Bắt đầu xuất hiện những ngón chân và tay có màng phát triển từ bàn tay và bàn chân.
– Các cơ quan nội tạng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Bé có mí mắt, ống thở kéo dài từ cổ họng đến các nhánh của phổi đang phát triển.
– Các tế bào thần kinh đang phân nhánh ra để kết nối với nhau, tạo thành hệ thần kinh sơ khai.
– Bộ phận sinh dục của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ để bộc lộ giới tính là trai hay gái.
– Bé có kích thước của một quả mâm xôi và đang liên tục phát triển và thay đổi, mặc dù bạn vẫn chưa cảm nhận được
Theo bảng đo cân nặng và chiều cao chuẩn của thai nhi qua các tuần thì ở giai đoạn thai 7 tuần chỉ mới dài khoảng 1cm, cân nặng chỉ vài gam nên bụng của mẹ vẫn chưa thấy sự biến đổi quá nhiều ở bên ngoài.
+ Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần thứ 7
– Vẫn còn quá sớm để có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được qua thành bụng rằng tử cung của bạn đang nong rộng ra. Lúc này bụng bầu của bạn vẫn còn được che giấu bởi xương chậu và sẽ không nhô lên cho đến khi được 12 tuần.
– Có thể bạn sẽ nhìn thấy những mạch máu của mình nổi rõ lên, đặc biệt là ở vùng ngực và chân. Khi bạn đứng lâu thì chân có thể sẽ sưng đau, và bạn muốn ngồi nhiều hơn trước. Cố gắng nâng chân lên bất cứ khi nào có thể và thường xuyên gác chân lên ghế ngồi hoặc ghế gác chân để giúp máu lưu thông nhé.
– Âm đạo của bạn có thể sẽ tiết nhiều dịch nhầy hơn. Điều này là bình thường trong suốt quá trình mang thai nên bạn đừng lo lắng, trừ phi nó có mùi khó chịu, chuyển màu vàng hoặc khiến âm đạo bạn tấy rát. Nhiều thai phụ dùng băng vệ sinh hàng ngày, điều này rất hữu ích.
– Thi thoảng bạn sẽ bị chuột rút và đau ở phần bụng dưới. Điều này cũng bình thường và cảm giác đau này tương tự như cảm giác nặng nề, khó chịu trước kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau liên tục, hoặc âm đạo của bạn bị chảy máu, hay đơn giản là bạn thấy lo lắng, hãy trao đổi với người đỡ đẻ hoặc bác sĩ của bạn.
– Hai đầu vú của bạn có thể sẽ lớn ra và thâm lại. Có thể sẽ có cả mụn nhọt mọc quanh quầng vú, chúng được gọi là những nốt Montgomery – giúp cho hai đầu vú của bạn sẵn sàng tiết sữa. Đừng nắn bóp hay cố gắng nặn bỏ những nốt này. Chúng thực sự có ích chứ không giống như mụn nhọt xấu xí đâu.

– Thêm một điều bất ngờ, bạn có thể sẽ được trở lại thời dậy thì ở tuần thứ 7 này với rất nhiều mụn trên mặt. Các hooc-môn thời kỳ thai nghén chính là thủ phạm gây nên đám mụn kia. Bạn hãy cẩn thận với các loại mỹ phẩm dành cho da mặt lúc này vì có một số loại kem thật sự các thai phụ không nên dùng.
+ Lời khuyên cho mẹ khi mang thai tuần thứ 7
– Đi bộ để chống mệt mỏi: Bạn nên dành ra 15 đến 20 phút đi bộ để giảm bớt cảm giác mệt mỏi trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đừng vì cảm thấy mệt mà bỏ việc đi bộ nhé, càng đi, bạn sẽ càng khỏe hơn đấy.
– Giảm cảm giác ốm nghén: Để xoa dịu cảm giác buồn nôn, bạn có thể nghỉ ngơi và nhờ bạn đời giúp đỡ việc nhà trong khi bầu bí. Nếu tình trạng ốm nghén trở nên gay gắt (nôn tất tật mọi thứ được đưa vào) thì cần tới gặp bác sĩ ngay. Những lớp học tiền sản sẽ hỗ trợ rất lớn cho các mẹ mới sinh con lần đầu.
– Chế độ ăn của bà bầu: Thai 7 tuần mẹ nên đảm bảo chế độ ăn đầy đủ 4 nhóm chất: Tinh bột, đạm, sữa, vitamin và các chất xơ. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn. Bổ sung axit folic, canxi và sắt.
– Chụp ảnh bầu: Mẹ cũng có thể cùng ba ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ cùng con mỗi ngày để tạo nên cuốn album đặc biệt tặng bé sau này.
Như vậy mẹ đã có thể mường tượng được sự phát triển của thai nhi 7 tuần tuổi như thế nào rồi đấy. Dù cảm giác buồn nôn của các cơn nghén kéo đến mẹ cũng nên nhớ bổ sung dinh dưỡng thật đầy đủ cho cả mẹ và sinh linh bé nhỏ đang tượng hình trong bụng mình nhé!