Khi con bạn mắc phải những tật về nói dưới đây, bạn không nên quá lo sợ cũng không nên coi thường mà nên tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục cho bé. Bởi những tật này ảnh hưởng không tốt đến tương lai của bé sau này.Cha mẹ hãy tham khảo một số lưu ý về tật chậm nói, nói ngọng, nói lắp mà kids.mobiedu.vn đã tổng hợp nhé.
1. Tình trạng Chậm nói
+ Khi một trẻ đã đi được mà chưa nói được những câu đơn giản, ta có thể xem đó là tình trạng Chậm nói. Đây là một biểu hiệu cho biết trẻ có thể có những khó khăn về phát triển (Chậm Khôn) về vận động (Hiếu động kém chú ý) hay có những khó khăn trong quan hệ ứng xử (Tự kỷ) vì vậy, việc nhận biết một trẻ chậm nói là điều dễ dàng, nhưng để xác định là trẻ có những khó khăn về phương diện gì, và nhất là để chẩn đoán mức độ nặng/nhẹ của trẻ thì phải được sự thăm khám nhiều lần của những nhà chuyên môn về tâm lý phát triển.
+ Khi phát hiện những trở ngại về ngôn ngữ, như chậm nói, nói lắp, nói ngọng… chúng ta cần đưa trẻ đến các nhà chuyên môn về tâm lý để có những điều chỉnh kịp thời. Nhưng nên nhớ rằng chính những giao tiếp đúng cách tại gia đình mới là những yếu tố tích cực đem lại hiệu quả cho sự tiến bộ của trẻ, chứ không phải là những liệu pháp thần kỳ của các chuyên viên mà bố mẹ có thể “khoán trắng” cho họ.
2. Phân biệt các tình trạng chậm nói:
+ Có nhiều người coi việc chậm nói là một tình trạng và thường cho rằng đó là hậu quả của việc thiếu quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Điều đó tuy không sai nhưng đó chỉ là một khía cạnh trong nhiều khía cạnh khác nhau của sự chậm nói.
+ Chúng ta nên biết rằng, ngoài những tình trạng như hội chứng Tự Kỷ, Hiếu động kém chú ý, Chậm khôn… đều có biểu hiện là chậm nói, thì các trẻ có tình trạng trầm cảm, lo hãi hay hung hăng, thích gây hấn cũng có tình trạng chậm nói, nhưng nguyên nhân gây ra sự chậm nói của các trẻ này lại khác với các trẻ Tự Kỷ, Hiếu động và vì thế biện pháp can thiệp, tập luyện cũng khác biệt.
3. Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói.
– Chậm nói do kém phát triển về trí khôn, có khó khăn về khả năng nghe hay khó khăn về khả năng phát âm
– Chậm nói do không phát triển được về khả năng giao tiếp ứng xử,có khó khăn trong sự chú ý, có tình trạng hiếu động.
– Chậm nói do không muốn nói vì tình trạng lo hãi, trầm cảm, có ác cảm với những người xung quanh.
Vì thế, cần phải xác định được đâu là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chậm nói cho trẻ. Từ đó mới có thể áp dụng những phương pháp can thiệp thích hợp.
4. Tình trạng nói lắp và nói ngọng
Nên phân biệt giữa nói ngọng và nói lắp. Nói ngọng là nói sai các phụ âm đầu như L thành N ( long lanh thành nong nanh ) hay ngược lại. Việc nói ngọng thường là do nghe cha mẹ, người xung quanh nói sai rồi bắt chước, lâu ngày thành một cố tật khó sửa, có những địa phương rất nhiều người nói ngọng giống nhau. Đây là một tác động mang tính địa phương, rất khó thay đổi hay điều chỉnh mà chỉ có thể làm giảm nhẹ.
Còn nói lắp là một tật chứng, thường do trẻ không đủ vốn từ để diễn tả nên cứ lập đi lập lại một vài từ đầu câu : con..con..con …muốn ăn, có khi chỉ nói lắp một từ đầu, có khi nói lắp nhiều từ trong một câu. Khi trẻ bắt đầu nói sẽ lắp bắp tìm chữ và thường tự thúc hối nói cho nhanh những gì mình đang nghĩ ra mà chữ thì không có sẵn. Hiện tượng này thường tự khỏi khi trẻ lớn lên có đủ vốn từ. Trong những trường hợp nói lắp kéo dài sau 12 tháng, có thể là do sự phát triển không bình thường của não bộ. Ngoài ra nói lắp cũng có thể do một khúc mắc nào đó giữa trung tâm ngôn ngữ trong não bộ và hệ cơ của môi lưỡi và hộp phát âm. Do đó có sự trục trặc trong việc sắp xếp câu cú. Trong trường hợp nhẹ, chỉ cần sự quan tâm và điều chỉnh theo những biện pháp dưới đây, còn trong trường hợp nặng phải có sự can thiệp của các nhà chuyên môn về tâm lý và chỉnh âm.
5. Nguyên nhân của nói lắp
Các nhà khoa học mới chỉ ra được các yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ khiến trẻ nói lắp như:
– Thể chất của bé: Trong quá trình sinh hoạt, trẻ bị vật cứng va vào đầu làm tổn thương tới vùng broca trong não – nơi tiếp nhận và phân tích ngôn ngữ.
– Cú sốc tâm lý: Trẻ gặp cú sốc lớn trong gia đình hoặc bản thân chứng kiến việc gì đó quá sợ hãi.
Hệ quả
Nói lắp khiến bé hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh. Khi bé đi học, việc phát âm khó khăn làm cho bé không diễn đạt được ý kiến, ảnh hưởng rất nhiều tới năng lực học tập của bé.
Theo các nhà khoa học, trong não bộ những người nói lắp, vỏ não có những đoạn tách rời, cản trở việc tiếp nhận và phân tích ngôn ngữ. Do đó, trẻ sẽ học kém.
6. Xử trí khi bé nói lắp
– Tập đọc và tập nói
– Bạn mua cho bé những quyển truyện cổ tích hoặc những quyển sách có giá trị giáo dục để bé luyện đọc (với bé đã biết đọc). Nếu bé khoảng 5 tuổi, hãy giúp bé tập nói trước gương bằng cách đưa cho bé chủ đề nào đó.
– Đưa ra câu hỏi để trẻ trả lời
– Sau khi bé đọc xong hãy hỏi bé. Câu hỏi lúc đầu thường đơn giản. Khi bé trả lời được lưu loát thì bạn mới tiếp tục đặt câu hỏi khó hơn
– Bữa cơm gia đình là lúc thuận tiện nhất để rèn luyện cho bé. Mọi người hỏi bé về chuyện ở trường, ở lớp, về bé hàng xóm có cái mũi to như thế nào,… Lắng nghe và khuyến khích bé nói nhiều hơn.
– Ngoài ra, các nhà khoa học còn có phương pháp giúp bé hết nói lắp bằng máy tính. Nếu bé không thể chữa trị theo cách thông thường thì bạn nên đưa bé đến các trung tâm y tế để kiểm tra và điều trị.
– Hỗ trợ những yếu tố tâm lý cho bé
– Bạn và mọi người hãy lắng nghe. Trẻ rất sợ khi vừa mở miệng ra đã bị bố mẹ và ông bà quát “Nói gì nói nhanh lên”. Làm như vậy, vô tình bạn làm trẻ bị ức chế và chứng nói ngọng, lắp của trẻ càng trầm trọng hơn. Bình tĩnh lắng nghe những gì trẻ bày tỏ với bạn sẽ kích thích trẻ nói nhiều hơn, cơ hội chữa lắp cho bé sẽ tăng lên.
– Đừng chế nhạo bé. Bé hoảng sợ khi bạn bè và những người xung quanh cười chế giễu khi bé nói lắp. Bạn hãy giúp bé tự tin bằng việc phát triển những trò chơi như vẽ, ô chữ, xếp hình,… trong quá trình bạn sửa nói lắp cho bé. Điều này khiến cho các trẻ khác không có cớ gì để cười nhạo bé nữa.