Vận động cơ thể sẽ giúp tăng cường sức mạnh hệ cơ và xương, giúp con học cách phối hợp các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Di chuyển và gặp trở ngại trên đường sẽ kích thích con tư duy và tìm cách vượt qua. Chính vì vậy kĩ năng leo trèo và giữ thăng bằng sẽ giúp trẻ phát triển tốt cả thể lực lẫn trí lực, tuy nhiên các mẹ nên lưu ý những vấn đề dưới đây:
Khi nào thì con sẽ học cách leo trèo hay giữ được thăng bằng?
– Sau khi bước qua giai đoạn tập đi, bé sẽ muốn chuyển sang các kiểu vận động kích thích khác ví dụ như tập đi thăng bằng trên vỉa hè, hoặc trèo lên trên những chỗ cao hơn. Việc này làm cho con thỏa mãn khi bản thân mình cảm thấy cao hơn và vui sướng khi nhìn mọi thứ dưới chân mình. Bước sang 18 tháng tuổi, con sẽ bắt đầu “chinh phục” những thử thách bằng cách leo lên những chỗ cao nhất trong nhà để nhận được lời khen và sự tán thưởng từ người khác.
– Vận động thể chất dạng này sẽ giúp con phát triển cả về tinh thần lẫn cơ bắp. Bởi chúng sẽ giúp tăng cường sức mạnh hệ cơ và xương, giúp con học cách phối hợp các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Di chuyển và gặp trở ngại trên đường sẽ kích thích con tư duy và tìm cách vượt qua.
=> Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm vào lúc này là đảm bảo rằng mọi thứ trong nhà đều an toàn với bé. Bởi đây chính là lúc bé có thể leo thoăn thoắt lên những bậc cầu thang và với mình về phía ô cửa sổ đang mở. Lơ là bất cứ phút giây nào cũng sẽ khiến con nguy hiểm đến tính mạng.
Làm thế nào để vừa khuyến khích con vận động trong sự an toàn?
– Thực hành là cách tốt nhất để con thành thạo được các kỹ năng vận động này. Hãy tạo ra các trò chơi hoặc tình huống mới mẻ để con thử sức như truy tìm kho báu, hoặc trốn tìm. Bị xây xước ngoài da, bầm tím hay những giọt nước mắt sẽ là điều không thể tránh khỏi. Cha mẹ chỉ cần theo dõi và cảnh giác với mọi vật hoặc hành động nguy hiểm như trượt cầu thang, hay với tay ngoài lan can an toàn, hoặc khi con leo trèo lên những đồ vật dễ đổ vỡ như giá sách, tủ kệ đồ.
– Con có thể học thăng bằng đơn giản nhất bằng cách đi bộ trên các bề mặt khác nhau như gỗ, cỏ, sàn gạch…với sự hỗ trợ của mẹ hoặc bố. Khuyến khích con ra ngoài và tiếp xúc những đứa trẻ khác, con sẽ có động lực để chạy nhảy khi được chứng kiến những hoạt động này từ chúng.